Bến Tre, một vùng đất anh hùng, không chỉ ghi dấu những chiến công oanh liệt mà còn khắc ghi mãi hình ảnh 8 nghệ sĩ tài hoa của Đoàn Văn công Thanh Hải. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, họ đã mang tiếng hát, điệu múa đến với chiến sĩ và đồng bào, góp phần động viên tinh thần cho cuộc kháng chiến. Nhưng số phận trớ trêu, họ đã vĩnh viễn ra đi khi đang thực hiện nhiệm vụ cao cả của mình. Nơi họ hy sinh mãi là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, cống hiến hết mình cho nghệ thuật và Tổ quốc.

Nơi hy sinh

Di tích lịch sử CẤP TỈNH

KHÁM PHÁ NGAY

8 diễn viên Đoàn Văn công Thanh Hải

Xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre

Đoàn Văn công Thanh Hải huyện Bình Đại được thành lập gồm 8 diễn viên, nhạc công trong huyện có năng khiếu về văn nghệ và mong muốn đóng góp cho quê hương. Đoàn văn công trực thuộc Tiểu ban tuyên truyền của Ban Tuyên huấn huyện Bình Đại. Có gia đình hai người cùng tham gia, người nhỏ nhất đang chăn trâu cho gia đình nhưng trốn nhà theo đoàn.

nHÂN VẬT lịch sử - Câu chuyện thành lập

8 diễn viên, nhạc công của Đoàn văn công Thanh Hải

1. Trần Văn Ngạn (sinh năm 1939) - xã Đại Hoà Lộc
2. Phan Văn Mum (sinh năm 1955) - xã Châu Hưng
3. Nguyễn Thị A (sinh năm 1953) - xã Châu Hưng
4. Nguyễn Thị Hồng Vân (sinh năm 1952) - xã Phú Vang
5. Nguyễn Thị Liệu (sinh năm 1957) - xã Lộc Thuận
6. Nguyễn Thị Ngâu (sinh năm 1957) - xã Định Trung
7. Phạm Văn Nhỏ (sinh năm 1953) - xã Phú Vang
8. Nguyễn Văn Tèo (sinh năm 1950) - xã Vang Quới Đông

Ngày 11 tháng 3 năm 1969, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 8 diễn viên, nhạc công của Đoàn Văn công Thanh Hải huyện Bình Đại đã hy sinh khi máy bay Mỹ ném bom hủy diệt vùng giải phóng.

HOẠT ĐỘNG TƯỞNG NIỆM

Hàng năm, vào ngày 11 tháng 3, tại di tích và Nghĩa trang liệt sĩ xã Thới Thuận diễn ra các hoạt động tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ Đoàn Văn công Thanh Hải.
Lễ tưởng niệm hàng năm:
Vào ngày kỷ niệm ngày hy sinh, thường có lễ tưởng niệm trang trọng với sự tham gia của các lãnh đạo địa phương, các đơn vị văn hóa, nghệ thuật, cùng người dân địa phương.
Đặt vòng hoa, dâng hương:
Người dân và du khách đến viếng và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Biểu diễn văn nghệ:
Các tiết mục văn nghệ thường được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp của các nghệ sĩ.
Triển lãm ảnh, tư liệu:
Triển lãm những hình ảnh, tư liệu lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của các nghệ sĩ.
Các hoạt động giáo dục truyền thống:
Tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm về lịch sử, về tinh thần yêu nước của các nghệ sĩ để giáo dục thế hệ trẻ.

Quy mô: 1.000 m2.
Cao 8,6m, đế bia cao 1,02m, nền bia cùng với bậc cấp cao 1,33m. Chất liệu bia bằng bê tông cốt thép, đế bia xây bằng gạch ốp đá hoa cương, vườn hoa, cây cảnh.

Bia tưởng niệm được xây dựng mang biểu tượng hình khóa sol và lưỡi gươm sừng sững giữa trời cao lộng gió thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng, bất khuất của những chiến sĩ, diễn viên bất diệt.

KHẢO TẢ DI TÍCH

Bia tưởng niệm

Chôn cất một phần thân thể của 8 chiến sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Thanh Hải, vì bom nổ không thể tìm thấy thi thể, biết họ đã hi sinh.
Nội dung khắc trên bia
Mặt trước đế bia: ghi lại sự kiện 8 chiến sĩ, diễn viên Đoàn Văn công Thanh Hải hy sinh.
Bia mộ tập thể: ghi thông tin về 8 liệt sĩ.

Mộ tập thể

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA -  KHOA HỌC -  THẨM MỸ

Thông qua những hình tượng nghệ thuật có sức truyền cảm sâu và mạnh, các đoàn văn công trong tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc động viên tinh thần yêu nước, bất khuất của quân và dân ta, nêu bật tính chất chính nghĩa của cách mạng, vạch trần những âm mưu và tội ác của kẻ thù, củng cố lòng tin tất thắng của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Trong một chừng mực nhất định, hình ảnh những gương kiên trung bất khuất của những người mẹ, người chị, của em thiếu nhi, hình ảnh người chiến sĩ đang cầm súng chiến đấu trên chiến trường và những người nông dân quên mình vì cách mạng, chấp nhận mọi hy sinh, quyết tâm theo đảng đã được tái hiện trên sân khấu qua các vở diễn, các bài ca với những thành công nhất định về mặt nghệ thuật. Trong lúc kẻ thù với những toan tính nham hiểm, hòng đè bẹp cuộc chiến đấu của nhân dân bằng sức mạnh của vũ khí hiện đại, thì những món ăn tinh thần đó lại vô cùng cần thiết. Nó hun đúc, khơi gợi tinh thần yêu nước, sự quả cảm trong chiến đấu cũng như tôi luyện sự kiên cường, bất khuất của quân và dân ta làm cho quân đội ta càng chiến đấu càng lớn mạnh, trưởng thành.

Nhiều anh chị em đã ngã xuống trên đường làm nhiệm vụ với tư thế của người chiến sĩ mà sự hy sinh của 8 diễn viên, chiến sĩ Đoàn Văn công Thanh Hải là một ví dụ điển hình. Người lớn tuổi nhất trong đoàn là 30 tuổi, người nhỏ tuổi nhất còn thiếu niên, đang độ tuổi cắp sách đến trường (12 tuổi) nhưng vì tiếng gọi của quê hương mà trốn nhà lên đường làm nhiệm vụ mang lời ca, tiếng hát phục vụ nhân dân, bộ đội,... để cổ vũ phong trào nhằm mang đến thắng lợi cuối cùng để giải phóng đất nước. Có gia đình có hai người đã hy sinh trong trận này.

Sự kiện này là một mất mát đau thương của Đoàn Văn công Thanh Hải nói riêng và Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre nói chung. Sự kiện này đã để lại một dấu ấn không thể nào quên trong lịch sử đấu tranh của quân dân huyện Bình Đại và tỉnh Bến Tre.

SỰ KIỆN ĐAU THƯƠNG NGÀY ĐÓ

Ngày 11-3-1969, quân địch dùng hỏa lực bắn phá quyết liệt trên địa bàn xã. Nhân dân lớp chết, lớp bị thương. Nhiều nhà cửa bị đốt cháy. 8 nhạc công, diễn viên của đoàn dù xuống hầm trú ẩn nhưng 1 quả bom rơi trúng ngay hầm. Toàn bộ nhạc công, diễn viên của đoàn đã hy sinh. Thi thể của các liệt sĩ không còn nguyên vẹn.

PHONG TRÀO VĂN CÔNG KHỞI ĐẦU TỪ CẤP TỈNH

Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre được thành lập vào ngày 25/06/1962 (là tiền thân của Đoàn Cải lương Bến Tre ngày nay). Đoàn đã biểu diễn đêm đầu tiên tại chợ Hồ Cỏ (xã Thạnh Phong - Thạnh Phú). Sau đó, đoàn đã chuyển về các huyện, mang lời ca tiếng hát của cách mạng đến với đồng bào ở các thôn ấp. Và cũng từ đây, đoàn hoạt động như một binh chủng thực sự, khi tập trung, khi phân tán thành đơn vị nhỏ, khi thọc sâu vào vùng xung yếu, khi phục vụ bộ đội, dân công, thương bệnh binh, tham gia chống càn, có lúc biểu diễn ngay trong khu trù mật. Vào dịp tết nguyên đán hàng năm cũng như trong các thời điểm lịch sử, trong các chiến dịch lớn (Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, phản công mùa khô 1973 - 1974, Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975), đoàn văn công giải phóng Bến Tre đều có mặt với tư cách là một mũi xung kích.

KHÁNG CHIẾN GIAN KHÓ

Đoàn Văn công giải phóng Bến Tre trong kháng chiến chống Mỹ đã trải qua bao gian khổ, thăng trầm; dù trong chiến đấu ác liệt phải phân tán, chia nhỏ... nhưng anh chị em cán bộ, diễn viên vẫn bám sát chiến trường để mang lời ca, tiếng hát, điệu múa biểu diễn phục vụ các anh bộ đội, thương binh, bà con nhân dân trong vùng tạm chiếm, vùng ven, khu trù mật... Không chỉ làm rung động lòng người, các diễn viên của Đoàn đã góp phần cổ vũ tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Địch đã nhiều lần tuyên bố hủy diệt Đoàn, dù phải trải qua bao gian khổ, đau thương, thử thách, nhưng trên thực tế, không năm tháng nào vắng tiếng hát của Đoàn.

ĐOÀN VĂN CÔNG THANH HẢI RA ĐỜI

Do nhu cầu tuyên truyền động viên chiến đấu, cùng với sự ra đời của đoàn văn công tỉnh, ở các huyện tùy theo điều kiện từng nơi, đã lần lượt thành lập những đoàn văn công “bán chuyên nghiêp” như: Đoàn Lúa Vàng (huyện Giồng Trôm), Đoàn Dừa Xanh (huyện Châu Thành), Đoàn Thanh Hải (huyện Bình Đại), Đoàn Thạnh Tiến (huyện Thạnh Phú), Đoàn Bông Tơ (huyện Ba Tri), Đoàn Mía Xanh (huyện Mỏ Cày). Các đoàn văn công cấp huyện hoạt động theo phương thức khi tập trung, khi phân tán. Khi có yêu cầu phục vụ, đoàn tập trung đi biểu diễn hàng tháng; khi địch đánh phá căng thẳng, ác liệt thì lại phân tán nhỏ ra để tránh tổn thất. Tuy nhiên, dù hoạt động linh động như vậy nhưng các đoàn văn công cấp huyện cũng không tránh khỏi tổn thất.

THỚI THUẬN - KHÔNG CHỈ LÀ CÂU CHUYỆN CỦA ĐOÀN VĂN CÔNG

Lúc này Thới Thuận là vùng đất giải phóng, nhân dân đang sống yên ổn cùng nhau thi đua tăng gia sản xuất. Nhân dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Khu vực này là vùng đất cát không thể đào hầm trú ẩn nên để đối phó địch, nhân dân mới chọn những ngôi nhà gỗ lớn của những gia đình khá giả trong vùng dỡ ra rồi dùng những cây gỗ lớn làm hầm trú ẩn hay thường gọi là trảng xê. Trong trảng xê có dự trữ sẵn lương thực, nước uống, ...cho nhiều người có thể sống trong nhiều ngày. Bên trên và cửa hầm được ngụy trang là giàn bầu, giàn mướp, rau muống biển,... Nhiều gia đình có khi cả khu vực, cả xóm dùng chung một hầm trú ẩn. Khi có báo động thì nhân dân bỏ nhà cửa mà chạy vào trú ẩn trong trảng xê. Đầu tháng 3 năm 1969, bọn địch cho máy bay đến bỏ bom bắn phá nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân kể cả bom napal ở nhiều nơi trong xã hàng tháng trời.

MÁU CHẢY THÀNH SÔNG

Ngày 11/03/1969 quân địch dùng hỏa lực bắn phá quyết liệt trên địa bàn xã. Sau khi địch bỏ đi, toàn xã Thới Thuận bao trùm trong không khí tang thương. Nhân dân lớp chết, lớp bị thương rất nhiều, nhiều nhà cửa bị đốt cháy, toàn xã Thới Thuận chỉ còn lại một số nhà dân ở Cồn Bà Tư là an toàn; 8 nhạc công, diễn viên của đoàn dù xuống hầm trú ẩn để bảo toàn tính mạng nhưng chẳng may 1 quả bom rơi trúng ngay hầm, toàn bộ nhạc công, diễn viên của đoàn đã hy sinh, thi thể của các liệt sĩ không còn nguyên vẹn. Lúc đó có hai người dân dùng đệm gom hài cốt không nguyên vẹn của các chiến sĩ, diễn viên lại. Sau đó, nhân dân đã đưa thi thể các liệt sĩ đến chôn chung một ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Thới Thuận.

KẾT CỤC - BIẾN ĐAU THƯƠNG THÀNH CÁCH MẠNG

Sau sự kiện đau thương này, nhân dân Bình Đại nói chung, Thới Thuận nói riêng đã dũng cảm đứng lên biến đau thương thành hành động cách mạng, tiến công địch bằng hai mũi quân sự và chính trị. Cùng với lực lượng vũ trang đánh địch trên các mặt trận, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi Mỹ ngụy phải vãn hồi hòa bình, đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống bắt lính, đòi Mỹ phải rút quân về nước. Ngày 11/10/1970, hàng trăm đồng bào xã Thới Thuận biểu tình chống phá bầu cử của địch. Pháo chi khu đã bắn vào đoàn biểu tình làm 2 người chết và nhiều người bị thương. Lập tức nhân dân khiêng xác nạn nhân kéo đến dinh quận đấu tranh quyết liệt đòi gặp quận trưởng quận Bình Đại. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, đích thân quận trưởng phải ra nhận lỗi, bồi thường nhân mạng cùng với làm ma chay và đưa những người bị thương đi cứu chữa.
Từ đó đến nay, hàng năm, cứ đến ngày 11-3, Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Bình Đại, chính quyền, đoàn thể, nhân dân xã Thới Thuận cùng thân nhân các liệt sĩ, nghệ sĩ tề tựu về đây và nghĩa trang liệt sĩ xã Thới Thuận để thắp hương tỏ lòng tưởng nhớ đến sự hy sinh của các chiến sĩ diễn viên Đoàn Văn công Thanh Hải.

TƯỞNG NHỚ - TRI ÂN HÀNG NĂM

Để tưởng nhớ đến các anh và cũng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau, ngày 11/3/2013, Ban liên lạc của huyện Bình Đại phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Đại đã vận động mạnh thường quân, người thân của các chiến sĩ đã hy sinh và kinh phí của tỉnh khởi công xây dựng Bia tưởng niệm 8 chiến sĩ, diễn viên Đoàn văn công Thanh Hải. Bia tưởng niệm tọa lạc tại ấp Thới Lợi 1, xã Thới Thuận, địa điểm cuối đường tỉnh 883,

Tưởng nhớ và tri ân

Ngày 11/3/2014, Ban liên lạc và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Đại tiến hành khánh thành Bia tưởng niệm Đoàn Văn công Thanh Hải, huyện Bình Đại nhân kỷ niệm 45 năm ngày các anh, chị hy sinh. Bia tưởng niệm được xây dựng mang biểu tượng hình khóa sol và lưỡi gươm sừng sững giữa trời cao lộng gió thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng, bất khuất của những chiến sĩ, diễn viên bất diệt.

Ngày 22/02/2019, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre ký Quyết định công nhận Nơi hy sinh 8 diễn viên đoàn văn công Thanh Hải là Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh.

2024 Bản quyền thuộc về Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre

Di tích lịch sử và Du lịch huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre

Phòng Văn hoá và Thông tin - Huyện Bình Đại - Bến Tre

Hotline: 0753741689 - 0753851112

Email: pvh.ubhbd@bentre.gov.vn

Website: https://dulichbinhdai.triplink.vn/

Ban quản lý di tích: UBND xã Thới Thuận - 02753852763