CHÙA THIÊN THỌ
Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh
Theo dòng lịch sử của những bậc tiền nhân đi khai hoang - lập nghiệp từ vùng đất ngũ Quảng di dần vào đàng trong để khai khẩn vùng đất mới, họ mang theo cả thần linh và Tượng Phật.
Hãy cùng khám phá không gian tâm linh, kiến trúc độc đáo và các hoạt động phật giáo tại chùa Thiên Thọ

Khám phá ngay

Giới thiệu

Chùa Thiên Thọ là di tích lịch sử cách mạng, gắn liền với tính ngưỡng tôn giáo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi làm hầm bí mật che giấu cán bộ cách mạng, cũng là nơi hoạt động cách mạng của nhà sư yêu nước - thầy Thích Thiện Chí, nhằm tập hợp lực lượng quần chúng và những người yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

khảo tả di tích

Chùa Thiên Thọ toạ lạc tại xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trên thửa đất số 242 thuộc tờ bản đồ số 7, tổng diện tích là 11.782 m2. Trong đó, quy hoạch khu di tích là 7.248,5 m2 gồm khu vực 1 có diện tích 850,5 m2, khu vực 2 có diện tích 6.398 m2.
Chùa được xây dựng trong một khuôn viên rộng lớn có rất nhiều cây xanh xung quanh tạo nên không gian tĩnh lặng, mát mẻ với các hàng cây cổ thụ tạo thêm vẻ cổ kính, thanh tịnh của ngôi chùa.
Đối diện cổng phía trái có ba ngôi tháp
1. Tháp của vị khai sơn tạo tự, người tạo lập chùa - Hoà Thượng Như Nguyệt
2. Tháp của Hoà Thượng Tiểu Tiên
3. Tháp của Hoà Thượng Nhật Hoà
Chùa được xây dựng theo kiểu tứ trụ, mái lợp ngói vảy cá, nhà ba gian hai chái, nóc hình bánh ít, vách xây tường.
Theo dòng lịch sử của những bậc tiền nhân đi khai hoang, lập nghiệp từ vùng đất ngũ Quảng di dân vào đàng trong để khai khẩn vùng đất mới. Họ mang theo cả thần linh và tượng Phật vì họ tin các đấng thiêng liêng này sẽ phù hộ họ trên bước đường tha hương.

SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ

hoà thượng như nguyệt

Năm 1843, chùa Thiên Thọ được thành lập, xây dựng rất đơn sơ cách ngôi chùa hiện tại khoảng 100m. Đến năm 1927, bà Trần Thị Giỏi cúng hiến một phần đất có diện tích 8 hecta cả ruộng lẫn vườn, Hoà thượng Như Nguyệt trụ trì cho xây dựng lại chùa Thiên Thọ trong một kiến trúc hoàn chỉnh theo kiểu chữ Nhất (-). Sau đó tiến hành việc đúc chuông. Hiện nay, chùa Thiên Thọ còn lưu giữ đại đồng chung cổ là minh chứng cho ngôi chùa có cách đây 170 năm. Trên đại đồng chung ghi rõ:
“Thiên Thọ Tự - Giáp Ngọ niên, thất ngoạt
Nguyệt Thạnh thôn - pháp danh Như Nguyệt”

Bà Trần thị giỏi

Bà Trần Thị Giỏi là người giàu có trong vùng. Bà không có con cháu, bản tính hiền lương. Không chỉ ở địa phương, bà còn làm việc thiện ở các chùa khác. Sau ngày bà mất, chùa Thiên Thọ hàng năm đều tổ chức lễ cúng giỗ còn gọi là lễ cúng chủ đất vào ngày 13 tháng 3 âm lịch. Tháp của bà hiện nay toạ lạc trong khuôn viên chùa Thiên Thọ và được các sư thầy cùng phật tử chăm sóc tảo mộ hàng năm.

Hoà thượng thích thiện chí

Chùa Thiên Thọ được tu bổ, xây cất khang trang cho đến Hoà Thượng Thích Thiện Chí kế nhiệm trụ trì. Hoà thượng Thích Thiện Chí bí danh Thanh Bình, sinh năm 1908, mất năm 1989. Thầy là nhà sư yêu nước, ủng hộ cách mạng. Qua nhiều năm, chùa được tu bổ, xây dựng khang trang. Chánh điện của chùa là nơi trang nghiêm, an vị của các chư Phật.
Do chiến sự lúc bấy giờ rất phức tạp nên năm 1957, những cán bộ cách mạng ở xã Định Hoà cùng thầy Thích Thiện Chí tổ chức đào một hầm bí mật nơi chánh điện, phía dưới bệ thờ chư Phật, xung quanh hầm là thành vách lớp đất dày, phía trên lát gạch tàu. Nhằm tránh tai mắt địch, số đất đào hầm, bí mật đem xuống rạch Chùa cách đó khoảng 150m.
Hầm bí mật có thể chứa 4 người ở. Các cụ xây dựng hầm bí mật này với chủ ý dùng làm nơi hội họp, cất giấu tài liệu, in truyền đơn chống chế độ Mỹ - Diệm, đòi thi hành Hiệp định Geneve.

Trong thời gian nhận nhiệm vụ giao liên và dán truyền đơn (1947 - 1961), thầy Thiện Chí nhiều lần bị giặc bắt và tra khảo rất dã man, nhưng thầy vẫn giữ vững khí tiết, cương quyết không khai báo tin tức của cách mạng.

Năm 1960, thầy Thiện Chí được bà Nguyễn Thị Định cử đi tập huấn nghiệp vụ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó, Bến Tre nổi dậy Đồng Khởi, rồi đến sự ra đời của Mật trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thầy được phân công công tác hợp pháp là Đại biểu Phật giáo huyện Bình Đại.
Hoà thượng Thích Thiện Chí là thành viên Ban tài chánh Phật giáo Cứu quốc huyện Bình Đại, đại biểu Hội Phật giáo huyện. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Thiên Thọ là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng.

Sinh hoạt văn hoá

Hằng năm, chùa tổ chức các lệ cúng chính
Mỗi kỳ cũng đều do các Phật tử và người dân địa phương đóng góp.
Lễ Thượng ngươn
Ngày 15.01 âm lịch
Lễ cúng chủ đất (bà Trần Thị Giỏi)
Ngày 13.03 âm lịch
Lễ Trung ngươn
Ngày 15.07 âm lịch
Lễ cúng tổ (Hoà thượng Thích Thiện Chí)
Ngày 21.08 âm lịch
Lễ Hạ ngươn
Ngày 15.10 âm lịch
Lễ tảo tháp
Ngày 15.10 âm lịch
Lễ Phật đản
Ngày 15.04 âm lịch

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA

Chùa Thiên Thọ là di tích lịch sử cách mạng, gắn liền với tín ngưỡng tôn giáo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi làm hầm bí mật che giấu cán bộ cách mạng, cũng là nơi hoạt động cách mạng của nhà sư yêu nước - thầy Thích Thiện Chí, nhằm tập hợp lực lượng quần chúng và những người yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đây là ngôi chùa có bề dày lịch sử 170 năm xây dựng và phát triển. Hiện nay, ngôi chùa còn nhiều bao lam, liễm áp cốt, liến đối và đại đồng chung cổ có giá trị nghệ thuật cao.
Do đó, chùa Thiên Thọ rất xứng đáng là di tích lịch sử cách mạng và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

TRẠNG THÁI BẢO QUẢN

Chùa Thiên Thọ do Giáo Hội Phật giáo tỉnh quản lý, được chăm sóc bởi trụ trì cùng các Phật tử và người dân địa phương.
Chùa là nơi hành hương của Phật tử thập phương, hằng năm tổ chức các lệ cúng như: Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn, lễ Phật Đản và cúng Tổ.

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ

Với ý nghĩa lịch sử của di tích đã nêu trên, Nhà nước đã xếp hạng để có cơ sở pháp lý nhằm xây dựng phương án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, phụ vụ công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ.
Chùa Thiên Thọ là di tích lịch sử cách mạng, gắn liền với tính ngưỡng tôn giáo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa là nơi làm hầm bí mật che giấu cán bộ cách mạng, cũng là nơi hoạt động cách mạng của nhà sư yêu nước - thầy Thích Thiện Chí, nhằm tập hợp lực lượng quần chúng và những người yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chùa là minh chứng cho lòng yêu nước gắn liền với văn hoá tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc.
Hơn một trăm năm trôi qua, diện mạo chùa Thiên Thọ thay đổi rất nhiều! Thế nhưng lịch sử của ngôi cổ tự này mãi gắn với trang sử hào hùng của dân tộc.

Ngôi Cổ Tự hàng trăm năm tuổi

Ngày 11/01/2013, chùa Thiên Thọ đón nhận Quyết định công nhận Di tích lịch sử - văn hoá cấp Tỉnh

@2024 Bản quyền thuộc về Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre

Di tích lịch sử và Du lịch huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre

Phòng Văn hoá và Thông tin - Huyện Bình Đại - Bến Tre

Hotline: 0753741689 - 0753851112

Email: pvh.ubhbd@bentre.gov.vn

Website: https://dulichbinhdai.triplink.vn/

Ban quản lý di tích: UBND xã Long Định - 02753746402