Sau chiến dịch mậu thân năm 1968, chính quyền Sài Gòn tổ chức phản kích, trả thù quyết liệt trên khắp các chiến trường miền Nam. Địch tung các binh đoàn bộ binh, thủy, bộ quân lục chiến... càn quét, đánh phá liên tục, gây cho ta rất nhiều khó khăn.
Sự kiện lịch sử
Có trung đội hi sinh đến người cuối cùng, có tiểu đoàn hi sinh đến 80% quân số. Trạm quân y tiền phương đầy ắp thương binh. Trong khi đó số thương binh nặng: cụt tay, cụt chân, trấn thương sọ não, cột sống, bị mù mắt... ngày càng tăng mà không có nơi an toàn để chữa trị. Vùng căn cứ tỉnh Long An bị càn quét ác liệt, số người bị trọng thương ngày càng nhiều. Các trạm xá quân y của ta đặt tại Tân Trụ, Châu Thành, Cần Đước, liên tục bị đánh phá. Trước tình hình đó, đồng chí Huỳnh Công Thân, Tư lệnh Phân khu 3 quyết định cử cán bộ đi tìm địa điểm nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh.
Nhiệm vụ được giao cho bác sỹ Hoài Hai, Chủ nhiệm Quân uy Phân khu và 1 y sỹ, trên đường thực hiện nhiệm vụ đã anh dũng hi sinh vào cuối tháng 12/1969 khi đến ấp Bình Thủy, xã Anh Thạnh Thủy, Chợ Gạo. Nhiệm vụ tiếp tục được giao cho đồng chí Bảy Triệu, Phó phòng Hậu cần nhưng không thành do đồng chí không thể đi theo con đường hợp pháp. Cuối cùng nhiệm vụ được giao cho bác sỹ Mai Văn Đoàn (Năm Đoàn).
Những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ
▶️ Địa hình 3 xã Thừa Đức, Thạnh Phước, Thới Thuận là khu vực rừng ngập mặn ven biển, giặc ít chú ý đánh phá, dân cư thưa thớt, khu vực rừng mọc um tùm, cá tôm, nghêu, sò... nhiều vô kể, đặc biệt là người dân có truyền thống cách mạng nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ ta. Về địa lý xa Sài Gòn nhưng gần Long An (thuận lợi đường thủy và đường bộ).
▶️ Khó khăn nhất là việc vận chuyển, che dấu, chăm sóc 120 thương binh trong hoàn cảnh chiến tranh hết sức ác liệt. Trong 1 tháng tiền trạm bác sỹ Năm Đoàn đã nhiều lần thoát chết nhưng thương tích đầy mình.
▶️ Để đảm bảo an toàn cho thương binh, trong quá trình vận chuyển đã phải đào hơn 100 hầm bí mật, bệnh nhân hầu hết bị thương nặng, gian nan không thể nói bằng lời. Tới mỗi trạm lại phải rửa vết thương, thay băng, chích thuốc và lo cơm nước cho thương binh, mỗi chặng đường là một thử thách căng go.
▶️ Đến cuối tháng 2/1970, đoàn thương binh đầu tiên được chia thành nhiều đợt vượt đường thủy phải vượt qua sông Cửa Tiểu, Cửa Trung và Cửa Đại mới đến được tập kết, vận chuyển 5 chuyến mới xong, ròng rã 1 tháng trời.
▶️ Nhưng chưa đầy 1 tháng sau địch càn quét vùng ven biển Bình Đại, một số cán bộ cơ sở như Sáu Minh, Bảy Hoành bị địch bắt giết chết đem bêu đầu thị uy tại Thừa Trung.
▶️ Sống và điều trị dựa vào dân là phương châm hằng ngày của đoàn. Huyện Bình Đại đã gửi cho đoàn 10.000 đồng và 1 chiếc radio.
▶️ Năm 1971 Tỉnh ủy Bến Tre đã cấp 50.000 đồng để hỗ trợ, giúp đỡ, nhân dân Thừa Đức giúp tiền bạc, tiếp tế gạo, nước ngọt. Sau Hiệp định Paris, vùng giải phóng Long An ngày càng được mở rộng, tỉnh Long An đưa số thương binh trở về nhà sau 30/4/1975.
▶️ Trong những năm ở Bình Đại, trại thương binh đã đào tạo cho huyện Bình Đại 20 y tá, giúp đội du kích đánh địch 7 trận, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, thu nhiều quân trang.
Trước nghĩa cử cao đẹp và truyền thống quý báu của nhân dân xã Thừa Đức. Nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Long An luôn ghi nhớ, tri ân; các thế hệ nối tiếp luôn giữ gìn và phát huy. Tại điểm trước đây là khu căn cứ điều trị, chăm sóc thương binh, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tài trợ nhà Bia tưởng niệm.