Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ đế quốc Mỹ can thiệp vào Miền Nam Việt Nam và đã tiến hành càn quét bắn giết dã man nhân dân ta. Chúng lập nhiều đồn bót dày đặc cai trị đồng bào ta. Tại Thạnh Phước chúng lập bộ máy tề xã, đóng nhiều đồn tua nhằm đàn áp phong trào cách mạng tại xã. Địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét và dùng máy bay bắn phá cơ sở cách mạng, huỷ diệt nhà cửa và hoa màu của nhân dân, làm cho người dân xã Thạnh Phước lâm vào cảnh đau thương mất mát. Trước những hành động tàn ác của địch quân dân xã Thạnh Phước đã chiến đấu anh dũng đánh hàng trăm trận lớn nhỏ trong xã, đã phá rã hệ thống kềm kẹp của địch, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Di tích lịch sử

KHÁM PHÁ NGAY

CÁC TRẬN ĐÁNH TẠI NGÃ TƯ THẠNH TÂN

Ngã tư Thạnh Tân là di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến (Nơi ghi dấu các trận chiến thắng oanh liệt của quân dân xã Thạnh Phước và Bình Đại).

Địa điểm lịch sử

SỰ KIỆN - NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Ngày 08 tháng 02 năm 1946 thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Bình Đại nói riêng. Trước sự tấn công và chiếm đón đó nhân dân huyện Bình Đại bước vào cuộc chiến đấu mới, lực lượng vũ trang của xã được thành lập vào năm 1946 dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Đảng viên trong xã. Ngày 27 tháng 7 năm 1947 Chi bộ của xã Thạnh Phước được thành lập do đồng chí Hoàng Lưu làm Bí thư đã lãnh đạo nhân dân trong xã kháng chiến chống Pháp góp phần cùng với nhân dân trong huyện, tỉnh và cả nước đánh bại cuộc xâm lược lần 2 của thực dân Pháp.

SỰ KIỆN 7: DIỆT CHỐT PHÒNG VỆ - 1973

Xã Thạnh Phước là vùng giải phóng nhưng địch thường xuyên càn quét, lấn chiếm. Chúng đã xây dựng nhiều đồn tua và chốt phòng vệ. Tại ngã tư Thạnh Tân địch xây dựng chốt phòng vệ do một tiểu đội dân vệ chốt giữ. Lợi dụng sơ hở và mất cảnh giác của địch. Một tiểu đội bộ đội địa phương quận huyện Bình Đại do đồng chí Trần Văn Khoa chỉ huy diệt chốt phòng vệ. Do địch mất cảnh giác và chủ quan cho rằng đã kiểm soát khu vực nên ban ngày chỉ để lại hai tên canh giữ chốt, nên ta có điều kiện tổ chức, triển khai tiêu diệt chốt phòng vệ. Chỉ trong phút chốc phe ta đã tiêu diệt được chốt phòng vệ.
Kết quả:
- Diệt tên Nguyễn Văn Lâm (trưởng ấp) và Phan Văn Hoành (phòng vệ).
- Thu 12 súng các loại.
Ta làm chủ tình hình, chiếm gọn chốt, rút về căn cứ an toàn.

SỰ KIỆN 1: DIỆT TÊN THIẾU UÝ TỪ VĂN KHOA - THÁNG 6/1952

Từ Văn Khoa là tên chỉ huy các đồn bót trong khu vực, là đồn trưởng đồn ba tại ngã tư Thạnh Tân. tại đồn này địch đóng quân khoảng hai tiểu đội, tên Khoa thường xuyên dẫn lính đi càn quét, đàn áp nhân dân và đánh phá cơ sở cách mạng trong vùng. Tên Khoa đã có nhiều nợ máu đối với đồng bào đồng chí ta ở khu vực ngã tư Thạnh Tân.
Qua nhiều lần ta bố trí phục kích tiêu diệt tên Khoa không thành. Tháng 6 năm 1952 được tin báo của quần chúng tên Khoa cùng một tên lính về nhà vợ hắn, trên đường đi về bót chúng bị hai đồng chí Chà và Nhì nổ súng tiêu diệt.
Trước cái chết của tên Từ Văn Khoa đã làm cho tinh thần lính trong đồn hoang mang, co cụm lại không dám đi càn như trước.

SỰ KIỆN 2: TRẬN ĐÁNH BÓT PC - 12/11/1954

Bót PC đóng tại ngã tư Thạnh Tân, địch gồm hai trung đội do tên thiếu uý Ngô Văn lẹ chỉ huy, chúng lập bót nơi đây nhằm kiểm soát khu vực và đàn áp phong trào cách mạng.
Để tiêu diệt bót này ta đã làm tốt công tác binh vận và trinh sát thực địa, cài đồng chí Hanh và Nguyễn Văn Cẩn vào hàng ngũ của địch làm công tác nội tuyến chờ ngày công đồn. Sau một thời gian nguyên cứu địa thế, địa hình và củng cố lực lượng để đánh chiểm bót, tiêu diệt địch. Sau khi hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa bộ đội địa phương và quân huyện Bình Đại, du kích xã và nội tuyến, ngày 12-11-1954 ta bố trí lực lượng bao vây và ém quân xung quanh khu vực bót. Đúng 2 giờ 30 phút đồng chí nội tuyến ra ám hiệu tấn công.
Kết quả: Ta chiếm gọn bót, tiêu diệt một trung đội, bắt sống một trung đội, thu toàn bộ vũ khí và quân trang quân dụng.

SỰ KIỆN 3: ĐÁNH ĐỒN - 04/05/1963

Sau Đồng Khởi 1960 buộc địch phải tập trung co cụm lại ở đồn chợ Thủ (xã Phước Thuận, Thạnh Tân). Năm 1961 địch bung ra thành lập phân chi khu, đóng tám đồn và bảy tua tại xã Phước Thuận, một đồn tua đều có một tiểu đội lính dân vệ canh giữ dưới quyền chỉ huy của tên Trưởng Ấp, do đó cuộc chiến đấu ngày càng quyết liệt.
Để hạ đồn ngã tư Thạnh Tân, lực lượng ta gồm quân nhân xã Phước Thuận kết hợp với lực lượng chủ lực của tỉnh và hai trung đội chủ lực của huyện Bình Đại có tăng cường đặc công với chiến thuật "cường tập" sau khi đã chuẩn bị về lực lượng đủ sức chiến đấu, ngày 4 tháng 5 năm 1963 ta bố trí các mũi bao vây đồn chờ giờ nổ súng tấn công. Đúng 1 giờ 30 phút thời cơ tuận lợi ta nổ súng tấn công đồn ngã tư Thạnh Tân, địch chống trả quyết liệt qua mấy tiếng đồng hồ.
Kết quả: Ta tiêu diệt một tiểu đội lính, trong đó có tên thiếu uý Nguyễn Văn Tảo, bắt sống một số và một số lính chạy thoát.
Thu được 30 súng các loại trong đó có 1 súng cối 60 ly và một trung liên. Một máy PRC10 và một tấn đạn các loại.

SỰ KIỆN 4: BAO VÂY ĐỒN NGÃ TƯ THẠNH TÂN - 25/12 ÂM LỊCH, 1964

Đồn ngã tư Thạnh Tân do tên Phạm Văn Tắc chỉ huy, đồn này có nhiệm vụ kiểm soát khu vực và hỗ trợ lực lượng cho các đồn khác trong xã. Được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện phải tiêu diệt các đồn tại Thạnh Phước. Lực lượng du kích và xã phối hợp với lực lượng quần chúng bao vây đồn ngã tư Thạnh Tân với mục đích cắt viện trợ cho các đồn khác để các đơn vị của huyện đội Bình Đại tiêu diệt 5 đồn trong khu vực xã Thạnh Phước. Đồn ngã tư Thạnh Tân bị bao vây, các đơn vị của huyện đội đã tấn công tiêu diệt gọn 5 đồn gồm: Đồn Thủ, đồn Mã Sâu, đồn Gò Mã, đồn Ba Củ, đồn Chòm Duối lực lượng du kích xã kết hợp với lực lượng quần chúng bao vây đồn ngã tư từ ngày 25 đến sáng 26 tháng 12 âm lịch 1964. Ta pháo kích vào đồn ngã tư buộc địch phải rút chạy về chi khu Bình Đại.
Đây là một trong những lần bao vây bứt rút rất quan trọng, đã giúp cho các đơn vị huyện diệt năm đồn trong một đêm và giải phóng 2 xã Phước Thuận và Thạnh Tân hoàn toàn giải phóng (1965-1969). 

SỰ KIỆN 5: TRẬN CHỐNG CÀN - 11/01/1966

Thạnh Phước là vùng giải phóng nhưng địch đã mở nhiều trận càn lấn chiếm, đã bị lực lượng ta đánh trả quyết liệt bẻ gãy các cuộc hành quân không cho chúng thực hiện ý đồ lấn chiếm.
Ngày 11.01.1966 địch mở trận càn lớn vào khu vực ngã tư Thạnh Tân với lực lượng gồm hai tiểu đoàn và một đại đội với ý đồ đánh phá cơ sở và căn cứ cách mạng của huyện xã. Để ngăn chặn ý đồ của địch, lực lượng của ta gồm có một trung đội địa phương quận huyện Bình Đại và một tiểu đội du kích của xã do đồng chí Huỳnh Văn Tháp huyện đội trưởng chỉ huy trận chống càn này.
Kết quả:
- Địch bị ta tiêu diệt 8 tên, bị thương 21 tên.
- Về phía ta hy sinh 12 đồng chí, trong đó tiêu biểu có nữ liệt sĩ Trà Thị Cụt.
Từ sau xuân Mậu Thân 1968, chi khu Bình Đại ra sức bình định nông thôn, vươn lên lấn chiếm giao thông 17 đến vùng Thạnh Tân, uy hiếp vùng căn cứ cách mạng. Từ đây, dịch hành quân càn quét mở rộng địa bàn, khống chế giao thông, cắt đứt thế liên hoàn vùng căn cứ địa, hòng tiến tới bao vây, cô lập, tiêu diệt cơ sở kháng chiến tại địa phương.
Trước sức bình định lấn chiếm của địch, huyện uỷ Bình Đại chỉ đạo huyện đội sử dụng đại đội địa phương tiêu diệt Bảo An 107 và 987, phá tan âm mưu tái chiếm của chúng, bảo vệ vững chắc vùng căn cứ kháng chiến.
Kết quả: Sau hơn 1 giờ chiến đấu tiêu diệt 40 tên địch (có 2 sĩ quan đại đội chỉ huy); bắt 7 tên, bị thương 20 tên, thu 22 súng các loại (1 đại liên M60); 5 máy PRC 25 và nhiều quân trang quân dụng khác.
Ta làm chủ trận địa và rút về căn cứ an toàn.

SỰ KIỆN 6: TRẬN PHỤC KÍCH DIỆT ĐẠI ĐỘI BẢO AN - XÃ THẠNH PHƯỚC

KHẢO TẢ DI TÍCH

Khu vực ngã tư Thạnh Tân nằm cách huyện Bình Đại 7km về hướng nam. Trong kháng chiến chống Pháp và khàng chiến chống Mỹ, tại đây là nền bót của địch.

1. Uỷ ban Nhân dân xã Thạch Phước
- Từ năm 1965 - 1969 là khu giải phóng, nơi dùng để hội họp, tập luyện của du kích và sản xuất vũ khí tự tạo các loại.
- Từ năm 1969 - 1974 là vùng tranh chấp giữa ta và địch.
- Từ năm 1975 đến nay chính thức là khu vực Uỷ ban Nhân dân xã Thạnh Phước.

Qua sự thống nhất của cấp uỷ, Uỷ ban Nhân dân và toàn thể địa phương đề nghị công nhận 3 điểm: Uỷ ban Nhân dân xã, Trường học cấp II, nghĩa trang liệt sĩ có tên gọi chung là khu vực ngã tư Thạnh Tân.

2. Trường học cấp II xã Thạnh Phước
- Khu đất này trước đây là của địa chủ Nguyễn Ngọc Châu (cả sáu) Năm 1965 ta giải phóng xã chính quyền trưng dụng làm trường học. Tại nơi đây xảy ra nhiều trận đánh.
- Năm 1965-1969 là nơi chế tạo vũ khí thô sơ cho bộ đội và du kích đánh giặc và cũng là nơi hội họp, tuyển quân đưa về trên.
- Từ năm 1975 đến 2010, được xây dựng làm trường cấp II của xã Thạnh Phước.
- Từ năm 2011 đến nay, được xây dựng làm trường cấp I: Tiểu học Trà Thị Cụt

3. Nghĩa trang liệt sĩ
Khu vực này trước đây là khu đất trống, sau giải phóng chính quyền xã Thạnh Phước cho xây dựng nghĩa trang liệt sĩ để quy tụ hài cốt các anh hùng liệt sĩ về an nghỉ. Nơi đây là chốt phòng vệ của địch để kiểm soát khu vực ngã tư Thạnh Tân, bị ta tiêu diệt nhiều lần.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HÓA -  KHOA HỌC -  THẨM MỸ

Giá trị lịch sử
Di tích là minh chứng cho tinh thần dũng cảm, hy sinh của những chiến sĩ vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Di tích có giá trị giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Giá trị văn hóa
Di tích thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Di tích góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Bến Tre.
Giá trị khoa học
Di tích có giá trị khoa học trong nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử ngành văn hóa nghệ thuật trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Di tích có giá trị thẩm mỹ trong kiến trúc, thể hiện sự uy nghiêm, trang trọng.

Giá trị thẩm mỹ
Chiến thắng tại khu vực ngã tư Thạnh Tân là chiến thắng tiêu biểu của quân dân xã Thạnh Phước nói riêng và huyện Bình Đại nói chung trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nơi đây liên tiếp diễn ra những trận đánh lớn làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, ta thu nhiều vũ khí đạn dược và quân trang, quân dụng. Những chiến thắng này khẳng định niềm tin, sức mạnh trong chiến đấu của cán bộ chiến sĩ ta, góp phần cho cuộc kháng chiến anh dũng của quân dân Bến Tre, kết hợp với chiến trường chung đánh đuổi kẻ thù xâm lược và tay sai của chúng. Lượng thông tin của di tích là nội dung quan trọng chứng minh cho quá trình lâu dài chống giặc giữ nước của nhân dân ta. Mặt khác giúp các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đúc kết những kinh nghiệm quý giá thêm vào những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ

2024 Bản quyền thuộc về Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre

Di tích lịch sử và Du lịch huyện Bình Đại - tỉnh Bến Tre

Phòng Văn hoá và Thông tin - Huyện Bình Đại - Bến Tre

Hotline: 0753741689 - 0753851112

Email: pvh.ubhbd@bentre.gov.vn

Website: https://dulichbinhdai.triplink.vn/

Ban quản lý di tích: UBND xã Thạnh Phước - 02753884002